Overview

Phòng tranh Trúc Chỉ, một loại hình Văn hóa mới độc đáo của Huế, của Việt Nam.
Không gian tìm hiểu, trải nghiệm, mua hoặc tự tạo tác một món quà từ Trúc Chỉ cho ngưòi thân.

Tags

  • Arts Crafts Store
  • Cultural Gifts Store
  • Arts & Crafts Store

Description

9 khái niệm "Trúc Chỉ"


1-Trúc Chỉ có thể là một loại giấy?

Trên cơ sở quy trình làm giấy Dó thủ công truyền thống Việt Nam, các nguyên liệu sẵn có ở địa phương: Tre trúc, rơm rạ, mía, chuối, lá, bèo... đã được sử dụng thay thế nguyên liệu vỏ Dó; kết hợp thêm các phương thức tạo tác mới, nguyên lý kỹ thuật Đồ họa... để tạo nên những tác phẩm giấy nghệ thuật có tên là “TRÚC CHỈ”.
Tên gọi Trúc Chỉ được Nhà Văn, Dịch giả BỬU Ý định danh, với cảm hứng lấy từ hình ảnh cây tre( một trong những nguyên liệu chính của dự án) như một biểu tượng văn hóa Việt, cũng như tính gần gũi, thân thuộc qua việc dễ kiếm, dễ tìm ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào ở Việt nam của cây Tre.
Tuy nhiên, “TRÚC CHỈ” không đơn thuần chỉ là cái tên, mà chính tinh thần làm nên sự khác biệt, khiến “TRÚC CHỈ” là giấy mà không chỉ là giấy, là tre mà không còn là tre nữa, mà là một loaijhinhf nghệ thuật-
giấy mới, một phương tiện mới để lưu giữ tinh thần sáng tạo Việt.



2- “TRÚC CHỈ” có thể là một sự khác lạ của kỹ thuật làm giấy?

Nếu coi “TRÚC CHỈ” là một sự khác lạ của kỹ thuật làm giấy đơn thuần, thì chẳng khác gì gợi trí tò mò tầm tầm và kích thích sự tự tôn buồn thảm mà chúng ta vẫn vướng víu chưa gỡ được, như là những: “lần đầu tiên…” lớn nhất việt nam…là chuyện của những kỷ lục tự kỷ. Bởi kỹ thuật vẫn chỉ là kỹ thuật, và kỹ thuật chỉ là kết quả đúc rút từ những thất bại thể nghiệm, cả hàng ngàn năm nay nhân loại đã trải qua…vấn đề là dùng kỹ thuật đó để làm gì, làm ra cái gì, và cho ai?
“TRÚC CHỈ” không đơn thuần là một khái niệm kỹ thuật mà là một phương thức chuyển tải những ý tưởng sáng tạo, mang nghệ thuật đến gần với cuộc sống.


3. “TRÚC CHỈ” có thể là “Phép Cộng và Sự trở về” không?

PHÉP CỘNG

Về ý thức sáng tạo: các kết quả sáng tạo đều xuất phát từ nhu cầu nội tại và cấp thiết của con người, cho con người. Mặc nhiên không thể chối bỏ hay phủ nhận những thành tựu của quá khứ, mà phải biết cộng thêm vào, làm mới, soi rọi nó dưới ánh sáng mới…để tạo dựng những giá trị mới trên nền tảng quá khứ. Bằng cách cộng thêm vào những ý tưởng mới, cách nhìn mới, kết hợp với những giá trị khác…chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến một kết quả mới lạ, độc đáo, mà vẫn không xa rời tâm thức của mình, dân tộc mình..
Về ý thức chia sẻ, cộng đồng: các giá trị mới được tạo dựng rất cần sự thông hiểu và hỗ trợ của cộng đồng, để có thể lớn dậy và mang tính dân tộc hoặc nhân loại.
Việc có sự chia sẻ từ người thưởng ngoạn, dù khen chê, hoặc góp ý chân thành chính là một nguồn năng lượng tích cực cho những bước sáng tạo kế tiếp.
Trúc chỉ là một giá trị cộng thêm vào, sẽ làm giàu thêm bề dày văn hóa, truyền thống của quê hương Việt Nam

SỰ TRỞ VỀ:

Trong sáng tạo cũng như ý thức chia sẻ, cộng đồng, Sự trở về này đều mang ý nghĩa là tiếp nối năng lượng từ những chuyến đi về với những giá trị truyền thống của văn hóa, của tính nhân văn…ngõ hầu nối dài và làm mới những giá trị đó trong thời điểm hiện tại- để cho những giá trị mới được hình thành mà vẫn mang hơi thở của quá khứ, như một phép cộng làm dày thêm giá trị của những sáng tạo mới bằng cách song hành và tạo dựng cùng với quá khứ, chứ không phải là ăn mòn quá khứ

4. “TRÚC CHỈ” có thể là một phương tiện tạo hình thay cho sơn dầu, sơn mài…không?
Chúng tôi quan niệm rằng: chẳng có gì là sự thay thế trong sáng tạo, mà chính là sự song hành, bởi xuyên suốt vẫn là những tiếp nối và cộng thêm. Nếu thay thế tức là có sự loại trừ, mà phép trừ thì hoàn toàn không thể có mặt trong tinh thần sáng tạo nói chung và “TRÚC CHỈ” nói riêng.


5. “TRÚC CHỈ” có thể đứng độc lập như một tác phẩm nghệ thuật không?
Việc làm giấy trước đây chỉ được xem là một nghề thủ công đơn thuần, sản phẩm của nghề đó được sử dụng , phục vụ cho việc khác, nghề khác, trong đó có nghệ thuật như: viết, vẽ, in… còn bản thân giấy và nghề giấy chưa bao giờ được coi là một nghệ thuật, hoặc được nâng lên tầm nghệ thuật.

“TRÚC CHỈ” với tinh thần sáng tạo, không lặp lại, luôn tìm tòi…hoàn toàn có thể là một tác phẩm nghệ thuật độc lâp. Hàng ngàn tờ “TRÚC CHỈ” đã ra đời hoàn toàn không giống nhau, mỗi tờ “TRÚC CHỈ” khi rời khỏi khung xeo đã là một tác phẩm độc lập.

Và khi được làm phép cộng với những hiệu ứng như ánh sáng, không gian…hoặc với các ngành nghệ thuật khác như: Thêu, Vẽ, In, Thư Pháp… “TRÚC CHỈ” sẽ mang thêm vẻ đẹp cộng hưởng mà có lẽ chưa thể chạm tới biên độ cuối cùng.

6. “TRÚC CHỈ” có thể là sản phẩm thương mại không?
Câu trả lời là: Có, hoàn toàn có thể, và không chỉ riêng cho một người, một vùng miền….hoàn toàn có thể tạo công ăn việc làm cho nhiều người, thậm chí còn có thể là dấu hiệu để nhận diện ra họ!
Nếu “TRÚC CHỈ” có thể liên kết năng lượng sáng tạo với các giá trị thủ công truyền thống vốn có của Việt nam, chúng ta hoàn toàn có thể hình dung đến những sản phẩm thủ công mang đậm tính chất văn hóa Việt, độc đáo, sáng tạo và có giá trị không chỉ với khách mà với cả nhận thức của chính người Việt, như một tự hào Việt cho dù có thể còn nhỏ nhoi.
Không chỉ là sản phẩm thương mại, “TRÚC CHỈ” hy vọng sẽ còn chuyên chở được cả những giá trị văn hóa, nhân văn, dân tộc…

7. Trúc Chỉ có thể là một cách kể chuyện ?
Đúng thế, là một cách kể chuyện, câu chuyện của người Việt mong muốn thay đổi một cách nhìn mới để thấy cây Tre Việt dưới một ánh sáng mới, một đời sống mới; câu chuyện về những nỗ lực đầy gian khổ và hạnh đạt của sáng tạo và sự sẻ chia… nhằm tìm một lối đi riêng bên cạnh những giá trị lớn đã được khẳng định, ngõ hầu góp phần tạo dựng niềm tự hào văn hóa Việt cho bên ngoài và cho chính mình.

8. “Trúc Chỉ” có phải là một giấc mơ ?
Là những giấc mơ được thoát thai từ lũy tre làng , qua trí tưởng tượng, tri thức khoa học, óc sáng tạo… để hiển thị trên những tác phẩm Trúc Chỉ , bày tỏ những khát vọng, ước mơ của người dân quê Việt về một cuộc sống tốt đẹp, thanh bình.

9. “Trúc chỉ” có thể là một tài sản cho ngày sau?
Trúc Chỉ với tinh thần sáng tạo không ngừng của mình, cộng với sự thông hiểu, chia sẻ, cộng hưởng năng lượng của những người Việt, hi vọng chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng nên một giá trị mới. Đó chính là niềm tự hào - dù nhỏ - của người dân Việt Nam. Niềm tự hào đó, chính là tài sản mà chúng ta để dành lại cho con em ngày sau.

Location

Rate & Write Reviews