About

Nhà thờ Mai Phốp - Hạt Mai Phốp - Giáo phận Vĩnh Long

Tags : #ReligiousCenter, #PentecostalChurch, #ReligiousOrganization

Location :
Trung Hiếu, Vũng Liêm , Vĩnh Long, Vung Liem
Contacts :

Description

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH HỌ ĐẠO MAI PHỐP

Các cha thừa sai (MEP) với tinh thần hăng say truyền giáo phát xuất từ họ đạo Cái Mơn chèo ghe đi theo dòng sông Cửu Long tìm địa điểm thành lập các họ đạo như: Giồng Thủ Bá, Cù Lao Dài, Mỹ Chánh, Rạch Dầu, Mai Phốp...

Họ đạo Mai Phốp thuộc họ mẹ Cái Mơn, được thành lập (1880) theo sử liệu 1860-1945 của cha Trương Bá Cần, thì họ đạo Mai Phốp đã có tên trong danh sách các họ đạo Tây Đàng Trong. Các sổ Rửa tội và Hôn phối từ đầu đến năm 1882, được lưu giữ ở họ Cái Mơn. Theo sổ Hôn phối 1882 cha Francis Grelet có chứng hôn cho: Phêrô (vêsô) Nguyễn Văn Lượng, Vĩnh Thành, Minh Lý Tổng, Cái Mơn Hội, với Anrê Lê Thị Tịnh, An Điền, Bình Trung Tổng, Mai Phốp Hội.

Địa điểm đầu tiên của họ đạo ở gần vàm sông Vũng Liêm, nay di tích còn lại vài mồ mã và vài nhà người có đạo, (xưa họ đạo này được gọi là họ Vũng Linh, vì đó là địa danh lâu đời, ngày nay chính quyền làm lại bảng kỷ niệm Vũng Linh tại thị trấn Vũng Liêm).

Tại sao họ đạo Vũng Linh được gọi là họ đạo Mai Phốp ?

Có lẽ để phát triển họ đạo, các cha đã khẩn đất ruộng và di dời họ đạo và nhà thờ đến kinh Mai Phốp và nằm theo trục lộ Vĩnh Long-Trà Vinh. Tên Mai Phốp có lẽ tiếng Khmer, vì cách nhà thờ Mai Phốp 500m, có khu di tích của người Khmer (hiện nay còn một số người đang ở). Người dân gọi nơi đây là Thành Mới (nhưng thật ra nó đã có cách đây 300 năm).

1. Sự phát triển họ đạo qua các thời kỳ

Linh mục Việt Nam đầu tiên đến phụ trách họ Mai Phốp vào năm 1883 đó là:

Cha Giuse Lập (1883-1896) cha là người có công rất lớn xây dựng Họ đạo trong 13 năm. Có lẽ cha là người đã xây cất Nhà thờ bằng cây ván ở địa điểm hiện nay.

Thời kỳ chuyển tiếp trong vòng 4 năm có 3 cha

- Cha Gioakim Lịch (1896-1897)

- Cha GBt Bourgeois (1897-1898)

- Cha Joseph Masseron (1898-1900)

2. Thời Kỳ Anrê Miều (1900-1916) 16 năm

Cha Joseph Keller: 1916-1618

Cha Phanxicô Truyền: 1918-1926

Cha Anrê Miều là linh mục coi sóc Họ đạo 16 năm, cha đã xây dựng Nhà thờ kiên cố bằng gạch ngói, cha đã được nhiều người mộ mến và nhắc nhở.

3. Cha Gioakim Tứ (1926-1939) 13 năm

Cha xây cất tháp chuông Nhà thờ Mai Phốp (1937) và vất vả xây cất Nhà thờ Bưng Trường (1938).

4. Cha Félix Trình (1940 1955) 16 năm

Thời gian cha ở họ Mai Phốp là thời gian chiến tranh, có nhiều giáo dân ở các họ khác đến sinh sống, để lánh nạn (như Đức Hòa, Cái Tôm, Xuân Hiệp, Bưng Trường, Hiếu Nhơn) đồng thời cũng có nhiều người lương xin giữ đạo để được an thân, vì thế số giáo dân ở Mai Phốp lúc bấy giờ tăng rất nhiều. Nhưng nay những gia đình giữ đạo vì thời cuộc đa số bỏ đạo hoặc giữ đạo lôi thôi.

5. Cha Giacôbê Tỏ (1956-1961)

Cha có công chia đất nhà chung cho giáo dân dọc hai bên lộ, từ Nhà thờ đến Cầu Đá, mỗi gia đình 4 công đất. Nhiều gia đình được hưởng nhờ và biết ơn cha, nhưng vì việc chia đất cho người nghèo mà cha phải lâm nạn.

6. Thời cha Anrê Hớn (1961-1975)

Cha đã mở mang rất nhiều cho họ Mai Phốp và các họ nhỏ ở xung quanh. Cha đã xây cất lại Nhà thờ Mai Phốp (1970), nhà xứ, nhà Dì, trường học...Cha cũng xây cất các cơ sở và thành lập các họ đạo: Cầu Vĩ, Nhơn Ngãi, Vũng Liêm. Kế đến, cha thành lập các trường Trung Học ở Mai Phốp và các trường Mẫu Giáo ở Mai Phốp, Vũng Liêm và Cầu Vĩ, ngoài ra cha còn tổ chức các Hội Đoàn Phạt Tạ và Legio Mariae rất thạnh hành thời đó ở Mai Phốp.

7. Thời cha Carôlô Bá (1975-1989)

Thời gian cha Carôlô Bá coi sóc họ đạo Mai Phốp là thời gian sau giải phóng, thời gian đen tối đầy khó khăn về mọi mặt đạo và đời, tinh thần và vật chất, thiếu thốn mọi mặt, tinh thần giáo dân sợ hãi và hoang mang. Cha Bá mới chịu chức, còn nhỏ tuổi, sức khỏe yếu, thiếu kinh nghiệm nhưng phải đương đầu đối phó với bao thử thách. Thời gian khá dài này bổn đạo phải trải qua lao đao lận đận. Nhưng nhờ ơn Chúa, cha và bổn đạo đã vượt qua thử thách để giữ vững đức tin và sống đạo.

8. Thời cha Giuse Nghĩa (1990-2007) 17 năm

Lúc đầu cũng gặp khó khăn về mặt chính quyền, nhưng từ từ được dễ dàng hơn.

Ở Mai Phốp: nới rộng Nhà thờ, sửa chữa nhà xứ, nhà Dì, các nhà sinh hoạt, núi Đức Mẹ, đài Thánh Philipphê Minh. Chỉnh trang khuôn viên Nhà thờ và làm hàng rào xung quanh.

Xây cất Nhà thờ và cơ sở ở các họ đạo xung quanh như: Quang Phong, Cầu Đá, Đức Hòa, Cầu Vĩ, Quang Diệu, Vũng Liêm.

Họ đạo Mai Phốp và các Họ nhỏ xưa và nay

Các họ nhỏ xưa kia gồm có: Bưng Trường, Hiếu Nhơn, Cái Tôm, Trung Hưng.

Thời cha Anrê Hớn có thêm: Cầu Vĩ, Nhơn Ngãi, vũng Liêm.

Thời cha Giuse Nghĩa có thêm: Quang Phong, Cầu Đá, Đức Hòa.

Hiện nay: còn lại Mai Phốp, Cầu Đá, Quang Phong và Vũng Liêm.

Ruộng đất "nhà chung" ở Mai Phốp và Bưng Trường xưa và nay:

Xưa kia đất "nhà chung" khá nhiều từ kinh Mai Phốp đến kinh Cầu Đá gồm có: đất của họ đạo, của Chủng Viện Vĩnh Long, của Nhà Phước Cái Mơn. Họ đạo Mai Phốp cung cấp gạo cho Chủng Viện từ năm 1945-1975.